Ngồi đọc cuốn “ngược chiều vun vút” của Joe Ruelle
mà thấy tủi thân. Anh ấy là người Canada sống ở Việt Nam 10 năm đã viết được một
cuốn sách bằng tiếng Việt hay như thế,
trong khi, mình người Việt mà câu cú viết sai bét nhè. Sống trong một thế giới
hỗn độn ngôn ngữ, đôi khi cũng rất sợ cái cảm giác tai nạn văn hóa. Càng lo sợ
bao nhiêu càng yêu tiếng Việt bấy nhiêu. Xuất phát đó mới thấy “lửa đạn” bùng
lên với mấy đám viết teencot và kì thị vụ sai chính tả. Đôi khi, mình cũng viết
sai chính tả, sai là do không biết chứ không phải cố ý.
Nhớ ngày bé mỗi lần đọc
sách thấy từ nào đó sai chính tả, cầm ngay tập đem đến cho mẹ và nói: “mẹ ơi chổ
này sai chính tả rồi”. Mẹ bảo: “tại sao con không đọc sách như một người bình
thường, cứ thắc mắc chính tả hoài vậy?” Chợt nghĩ có khi nào mình bị tự kĩ như
Daniel Tammet không nhỉ.
Có nhiều lúc thấy đắng lòng mà không nói nên lời. Đừng
nói tới ngoại ngữ các thứ xa xôi, bản thân tôi người Việt mà tiếng mẹ đẻ phát âm
chưa xong, khối từ không hiểu. Quê miền Trung nên từ nhỏ đã phát âm sai, tới giờ
nhiều âm tiết không chỉnh được nữa. Bởi nói sai nên người khác nói đúng mình
nghe không hiểu. Thậm chí nhiều từ bị ngọng, bị liệu đủ thể loại.
Yêu tiếng Việt nhưng sao tiếng Việt khó quá. Cầm cuốn
từ điển tiếng Việt trên tay để tra mà thấy đau cả não. Một chồng sách ngữ văn
phổ thông và đọc từng bài ngữ pháp, luyện từ và câu. Kết luận là, sách tiếng Việt
tiểu học là dễ học nhất. Từ khó đã được chú thích, luyện từ và câu rõ ràng,
thành ngữ, ngữ đều có sau mỗi đơn vị bài học.
Ngẫm mà thấy đúng: “Không nghiêm túc với tiếng Việt
thì đừng mong làm nên trò trống gì.”
Trong hàng trăm cuốn sách, đây là cuốn sách được lôi
ra đọc nhiều lần nhất, số lần chắc cũng lên đến trên trăm rồi. Lật tới trang 60
chính là sinh tố trái trâm, tôi bình chọn đây là loại sinh tố xa xỉ nhất quả đất.
Nhắc đến nó bao kí ức ngày bé lại ùa về trong tôi. Hoài niệm có, ấm áp có, ngậm
ngùi có, “cái bọn” cảm xúc ấy cứ hỗn tạp vào nhau, không phân định rõ ràng.
Cái thời bọn con nít tinh ranh và phá phách ở làng,
quẫy nhiệt không mệt mỏi với thức quả sim rừng, móc rừng và trâm rừng. Loại quả
mang hương vị quê hương, gắn liền với tuổi thơ muôn màu đa sắc. Màu tím đậm đà,
tím mộng mơ ấy đã gắn chặt hình ảnh trong tôi thuở ban sơ, nên không màu sắc
nào có thể thay thế được nó. Yêu cuồng nhiệt sắc tím ấy như yêu chính mảnh đất
con người nơi thôn lũy nghèo nàn của miền Trung khúc ruột đầy nỗi thâm tình.
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, đến mùa trâm
chín, sau giờ cơm trưa cả đám hú hí, lén lút trốn phụ huynh trèo tường, chui
hàng rào dắt nhau lên đồi sau núi. Năm, bảy đứa chia nhau ra hành sự. Đứa trèo
lên cây, số còn lại giăng màn ra hứng quả do đứa trên cây ném xuống. Trâm là
loài cổ thụ, cao lút cần câu, muốn thưởng thức quả của nó là cả một phen gian nan. Suốt mùa trâm là cả một mùa Halloween hoành tráng. Là thứ quả thần thánh
không chỉ vị ngọt ngọt, chua chua khoái trá mà dấu ấn của nó để lại cũng thật ấn
tượng làm sao. Đang "xử" có đứa quát lên: "Quỷ tha ma bắt mày, đừng để con ma tham ăn ngự trị mày chứ." Sau khi chén sạch số trâm đó, miệng đứa nào đứa nấy nhìn như mấy con "monsters". Đó cũng là dấu hiệu được no đòn khi bị mamy phát hiện ^^
Mùa trâm năm ấy cũng bình lặng như mùa trâm của những
năm hai ngàn không trăm lâu lắc. Trong làng có một cây trâm rất bự, cực sai quả,
trái to như con trâu. Đó cũng là lí do mà đám trẻ làng đặt cho nó một cái tên
thật kiêu là “cây trâm trâu”. Chả hiểu con bé ấy phóng lên cây này vì đang chơi
trốn tìm hay hái quả. Kết quả là, nó té xuống và nghe phong phanh đâu đó là chết
trên đường đưa đi cấp cứu. Giờ nhớ lại thấy lạnh cả sống lưng. Để khỏi phải thấy
cảnh rùng rợn như trong truyện kinh dị của bác Stephen King, tôi cho rằng con
bé ấy đang rơi tự do. Kể từ thời khắc nghe tin này từ những người lớn trong
làng thì dường như mùa trâm đã xa dần tầm tay của đám trẻ bọn tôi. Nó chỉ còn
là một mùa nhớ, mùa kỉ niệm mà thôi.
Phụ huynh ra sức quản lý khắc khe lũ khỉ con bọn
tôi. Số lần tụ tập bị giảm đi không ít. Thực ra thì cánh tay đang gõ những dòng
này cũng đã 3 lần gãy tay, sai khớp chứ không nhiều. Trong tiếng anh từ 2 trở
lên đã được thêm “sờ” vì là số nhiều. Ờ thì nhiều…Nghĩ lại hồi nớ chỉ nghe như
tiếng người ta bẻ xương gà kêu “cái rắc”. Tự hỏi cánh tay ơi, mày được cấu tạo từ
thứ quỷ quái nào thế? Sao thỉnh thoảng tao lại nghe mày kêu cái rắc, là y như rằng
1 tháng tiếp theo là tao được làm bạn với bột cao khó chịu. Trèo cây trứng cá rớt
xuống đất cái bốp, kêu cái rắc. Đang chạy vướng đứa bạn ngã xuống kêu cái rắc.
Còn lần nữa mà quên mất tiêu. Bởi nhiều pha ngoạn mục quá nên cũng không ấn tượng
gì nhiều, hình ảnh cứ mờ nhạt dần. Ba mẹ cũng hay lo lắng. Ba dặn: “con đi đứng
cho cẩn thận chút coi, chân tay lêu khêu như cánh gà”. Mình huơ huơ cánh tay
lên cho ba coi và bảo: “Ba đừng lo, con là superman chiu chiu …”. Giờ đây nghĩ
lại chợt thốt lên một câu “ờ ngày xưa mình cũng ngoan phết.” Nghĩ mà thấy
thương lũ trẻ con thành thị, hỏi cây lúa trông ra sao nó cũng không biết, trấu
là thứ gì nó cũng chịu thua. Ôi tuổi thơ bất hạnh. Nghĩ bâng quơ thấy phảng phất
đâu đó của một “tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán đang trỗi dậy trong con người
mình.
Nhiều lúc tự hỏi: “Chỉ là trâm rừng thôi mà, có cần
phải ngon dữ vậy không?” Thèm quá xá má ôi!!!!
Đọc sách có lẽ là vấn đề muôn thuở luôn được bàn đến.
Từ thời xa xưa ông cha ta tìm hiểu tri thức thông qua những cuốn sách. Còn hiện
nay với sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, Internet nên có lẽ sách đã
không phải là thứ còn được quan tâm như trước nữa. Sách cũng chia ra nhiều thể loại.
Tuy rằng mỗi loại đều đem lại cho ta những lợi ích nhất định, nhưng với sự tràn
lan các loại sách xuất hiện trên thị trường như hiện nay thì việc chọn một cuốn
sách giá trị để đọc quả thật không đơn giản.
Học trò của tôi đủ mọi lứa tuổi, mấy đứa tiểu học
thì toàn đọc truyện Doremon, Conan, truyện thiếu nhi, thần đồng đất việt,
anime… Mấy đứa cấp 2, 3 lại toàn đọc cái thứ hàng “hot” hiện nay được gọi là “truyện
ngôn tình”. “Ngôn tình” là từ hán việt, “ngôn” trong “ngôn từ”, “tình” trong “tình
cảm”, tức là ngôn từ tình cảm, tôi hiểu vậy, mà chắc cũng có lẽ vậy thật. Cô bé học trò lớp 9 của tôi cũng hay chia sẻ về
những cuốn truyện mình đã đọc, tuy không đọc loại này nhưng bản thân tôi cũng rất
tôn trọng em. Tôi đặt câu hỏi cho em: “em thấy mình học được điều gì từ truyện
ngôn tình?” hoặc là: “theo em ngôn tình đem đến giá trị như thế nào cho bản
thân em?”. Câu trả lời của em khiến tôi cũng khá bất ngờ: “em thấy vui, giải
trí, thư giãn sau những giờ học căng thẳng và em sẽ không yêu đương gì trong
giai đoạn đọc truyện vì em chẳng kiếm ra thằng nào giống trong truyện cả, còn
khi hết đọc là em yêu liên tục.” Có lẽ đó là một câu trả lời hết sức ngây ngô,
bá đạo nhưng cũng rất thật lòng của em. Truyện ngôn tình tôi đã đọc duy nhất là cuốn “Anh có thích nước Mỹ không? Của Tân Dĩ Ổ.
Tôi đọc nó đơn giản chỉ vì
anh chàng Lâm Tĩnh, tuy anh ta chỉ là tuyến nhân vật phụ nhưng tôi lại thích
anh ta đến lạ lùng. Hình ảnh anh ấy xuất hiện, biến mất rồi lại xuất hiện khá mờ
nhạt nhưng tôi vẫn ghi nhớ. Hình ảnh xuất hiện ban đầu của anh ta là một chàng
sinh viên luật, cuối truyện lại là một Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành
đạt đầy quyền lực bao người ngưỡng mộ. Anh ta lướt nhẹ qua cuộc đời của nữ chính trong những năm tháng ấu thơ, nhưng để lại trong cô đầy hồi ức. Anh lẳng lặng ra đi không để lại dấu vết và quay lại cũng khá lặng thầm nhưng mang tính ấn định. Cuối cùng thì anh ta lại thành một đôi với
cô nữ chính Trịnh Vy. Tôi thích anh ta bởi cái cách lịch lãm, nhẹ nhàng, xử lý
công việc cũng như cuộc sống khá tinh tế, tĩnh lặng nhưng lại đâu ra đó. Cái
cách thể hiện tình yêu của anh ta cũng khá ấn tượng, không ba hoa bốc phét,
không màu mè, vồ vập. Bằng cả tấm lòng và tấm chân tình của mình, anh ta đến với
Trịnh Vy lúc cô yếu đuối nhất, cần một bờ vai và lời an ủi nhất. Mọi thứ anh ấy
làm, mọi việc anh ấy hi sinh, nó cũng lặng lẽ, nhẹ nhàng như chính cái tên Lâm
Tĩnh vậy. Nhưng trên hết, những điều đó không kém phần sâu sắc và lãng mạn. Với tính cách và phẩm chất của anh ta rất đáng cho những người học luật như tôi học hỏi theo. Tuy
cuốn sách này của Tân Dĩ Ổ được xếp vào truyện ngôn tình nhưng nó là một ngôn
tình khá thực tế và phù hợp với cuộc sống cũng như bối cảnh xã hội của chúng ta
hiện nay. Thiết nghĩ nó rất đáng được bạn đọc trẻ quan tâm để đọc, cảm nhận và
rút ra bài học cho chính mình. Còn loại ngôn tình mà cô học trò của tôi đọc, quả
thật tôi không đánh giá cao (nhưng cũng không phản bác), bởi nó quá thiếu thực
tế, nói hơi nặng là hư cấu. Đôi khi, làm cho bọn trẻ sống trong ảo tưởng, cõi
thần tiên, nhưng khi đối diện với thực tế chúng như bị tát mạnh vào mặt. Con nít,
tuổi mới lớn có lẽ nên cần một người lớn hơn dẫn dắt chia sẻ, khuyên các em nên
tiếp xúc với các tác phẩm văn học kinh điển để hoàn thiện nhân cách của mình. Một
số tác phẩm như:
“Không gia đình”
“trong gia đình” của Hector Malot
“một lít
nước mắt” của Kyto Aya
“những tấm lòng cao cả” của Admondo De Amicis
“Hãy chăm sóc mẹ” của Shin
Kyung Sook
“Những cuộc phiêu lưu của Tom Sayer”
“những cuộc phiêu lưu của Huck
Finn” của Mark Twain
“thời thơ ấu” của “Maxim Gorky
Totto chan bên cửa sổ của Kuroyanagi Tetsuko
Không gì quý hơn tập cho con trẻ tính kiên nhẫn. Từ
việc chịu khó đọc một cuốn sách, dần dần thói quen ấy sẽ lớn dần trong các em.
Qua mỗi cuốn sách ấy, giá trị đem lại không hề nhỏ. Từ mỗi câu chuyện các em học
được những bài học lớn, biết quý trọng về việc học tập, biết tiết kiệm, biết
yêu thương nhiều hơn và sống có ý nghĩa hơn.
Một buổi chiều thứ 7
bình lặng như bao buổi thứ 7 khác, chỉ nghe mỗi tiếng gà gáy và tiếng của máy
khoan công trình trong tòa nhà đang xây dựng cách đây không xa. Cảm giác vắng lặng
khoan khoái đến lạ kì, bất chấp thiên nhiên yếu nắng ngoài kia, tôi vẫn vui vẻ.
My happy day.
Đang ngắm khung cửa sổ
tự dưng bỗng tức anh ách muốn lộn cả ruột gan. Cây cảnh mua từ vài tháng trước
nay đã gióng lên hồi chuông báo tử. Đôi lúc muốn mặc xác nó chết dần chết mòn
vì cái nỗi hờn dỗi bà bán cây cảnh trong tôi đang lớn dần khi chợt nhiên nghĩ tới.
Ca khúc “Love love love” của Jason Mraz ft Hope len lỏi theo dòng suy nghĩ và có lẽ “tình yêu” đó làm giảm nhiệt trong tôi.
Vừa xem video vừa gật gù tán thưởng. Giai điệu du dương,cảnh quay đẹp, có chiều sâu, sự đụng chạm được quay và liên kết khá chặt chẽ, liền mạch không cảm thấy rời rạc. Càng xem càng thích. Hay tại đó giờ mình thích mấy cảnh trắng đen xen lẫn nên nhận xét cảm tính như vậy nhỉ? Nhưng quả thật nhờ cảnh trắng đen pha cảnh màu mè tạo cảm giác quyến rũ thế nào ấy!!! Vẫn còn nhớ như in lần đó khi mua mình có hỏi một cách hết sức tế nhị và lịch sự:
“Bà ơi cây này sống được trong bóng râm phải không ạ? Bà ấy đáp: “Đúng rồi con”.
Nói không ngoa chứ trong lòng tràn đầy tự tin, trưng diện em ấy trong bóng râm
góc phòng 3 ngày liền. Nữa tuần trôi qua nhìn lại hết hồn con chồn vì sự đổi thay
của em ấy cho dù chưa bị xã hội đưa đẩy một tẹo nào.
Đột nhiên mới nghĩ thầm,
quái lạ thật “what the hell happened to Jason Mraz and Hope? Sao bài hát này có
lắm chữ “love” thế nhỉ? Tua lại một hồi lẩm nhẩm dò theo thấy có tận 53 từ “love”
xuyên suốt bài hát hơn 3 phút. Không thể
tin được tận 53 quả tim cơ đấy. Bao nhiêu năm rồi vẫn thích các ca khúc của anh
này. Âm nhạc lại trôi qua ca khúc “Lucky” của Jason Mraz ft Colbie Caillat một
cách uyển chuyển và nhẹ nhàng.
Giọng hát của anh ấy vừa ngọt ngào, quyến rũ,
ngôn từ trong sáng pha lẫn phong cách bụi bụi hơi ngầu càng cuốn hút sự chú ý của
tôi hơn. Bạn thấy đấy, chỉ một chút âm nhạc làm phong phú cho cuộc sống của
chúng ta, giảm căng thẳng và cơn giận có vẻ đã hạ phải không nào? Mỗi lần giai điệu ấy vang lên thì chính giọng
hát mềm mại ấy đã đập tan đi bao nặng nề của bản thân.
Dù ca khúc “I’m your”
có nổi tiếng bao nhiêu đi nữa thì tôi vẫn thích “Lucky” nhất.
Ngân nga “Lucky, I’m
in love with my best friend” lại khiến
tim tôi xao động, ấm áp đến lạ lùng. Chẳng biết tại sao lại gợi lên trong tôi cảm
giác thích thú đến vậy. Trong khi bản thân rất không tán thành chuyện hai đứa
thân nhau lại yêu nhau. Thế đấy, bởi vậy mới thấy con người là cái giống mâu thuẫn đầy
nội tại. Cho dù từng nghiên cứu lý thuyết của Sigmund Freud đi chăng nữa vẫn
khó kiểm soát sự mâu thuẫn ấy.
Khi buồn, khi căng thẳng,
hãy giải tỏa cảm xúc của mình bằng cách thư giản cùng âm nhạc của Jason Mraz
nhé! Hãy thương yêu và chăm sóc tâm hồn tựa hồ như cơ thể của mình vậy. Cơ thể
con người gồm có 2 phần, một thể xác, một linh hồn. Phần nào cũng dễ tổn
thương, dễ bị bệnh, cho nên tụi nó đều cần bạn che chở như nhau. Hãy luôn giữ
trạng thái vui vẻ hạnh phúc để có một tâm hồn đẹp và cơ thể khỏe mạnh.
Đam mê mang đến cho ta nhiều cung bậc cảm xúc khó tả.
Đối với tôi, sư phạm không đơn thuần chỉ là giảng dạy. Một nhà giáo tốt không
những có kiến thức nền tảng để giảng bài mà thấu hiểu tâm lý học trò còn quan
trọng hơn. Bạn phải tạo được cảm hứng, niềm say mê trong học hành cho bọn trẻ
đó mới là cốt lõi của sự giáo dục. Cô bé lớp 9 mà tôi đang dạy quả thật có nhiều câu hỏi khá thú vị. Nhiều lần em chia sẻ với tôi về vấn đề áp lực học hành từ gia đình cũng như nhà trường. Tôi cũng từng trải qua những năm tháng học hành như vậy nên cũng thấy hiểu em đôi chút. Chính vì vậy mà trong buổi học của tôi và em, tôi luôn cố gắng để em được thoải mái nhất. Em sắp thi môn Ngữ văn nhưng tựa hồ em vẫn còn mông lung trong cách làm bài thuộc thể loại nghị luận xã hội. Tôi bảo rằng: "chắc tại trên trường thầy cô ít nói với em về vấn đề này phải không?" Cách thể hiện của em cho tôi thấy rõ một sự giáo dục khá khó chịu tại các trường điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Một thực trạng giáo dục đáng buồn và đáng báo động đối với các bậc phụ huynh và xã hội nói chung. Họ chỉ cố gắng đưa mấy đứa nhỏ vào một guồng máy công nghiệp chứ không phải là đang đào tạo ra những con người thực thụ. Họ làm tắt ngấm trong các em niềm sáng tạo, cướp đi tuổi thơ, sự vui chơi của các em một cách trắng trợn. Đối với thể loại nghị luận xã hội, đây là loại văn chương bàn về thực trạng vấn đề đang nổi cộm của xã hội thì phải cho các em tự do nói quan điểm của mình. Nhưng có lẽ họ quá máy móc và rập khuôn, khiến các em càng ngày càng sợ một thứ gọi là "học". Học tập cũng như cuộc đời, chúng ta cần mang hơi thở của cuộc sống vào trong ấy thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, cảm nhận cũng trở nên sâu sắc hơn. Chỉ cần đơn giản chỉ cho các em thấy vấn đề xã hội thường tập trung trong các bản tin thời sự, các em chịu khó nghe tin tức, coi thời sự thì có lẽ sẽ nắm bắt được phần nào. Từ đó giúp các em tư duy nhanh hơn, đưa ra ý tưởng thuyết phục hơn trong các vấn đề xã hội. Nếu vậy thì bài văn liên quan đến nghị luận xã hội đâu còn làm khó các em nữa, lại giúp các em có một cái nhìn mới về xã hội.
Một cuốn sách rất hay về sang chấn tâm lý nên đọc để
giúp bạn chăm sóc tinh thần khỏe khoắn.
"Những người bị trầm cảm thường có một
tâm hồn rất mỏng manh. Họ thường dễ bị tổn thương và tổn thương một cách sâu
sắc. Họ tinh tế nhạy cảm và cũng chính vì điều này mà họ cảm thấy khó khăn
trong việc bảo vệ tâm hồn mình không bị trầy xước trước những va chạm thô bạo
của cuộc đời."
“Gọi bình yên quay về" là một cuốn tự truyện tổng
hợp từ chính những câu chuyện, trải nghiệm nghề nghiệp của bác sĩ chuyên khoa
tâm thần Lê Quốc Nam.
Mình cũng không nhớ cơ duyên nào đã khiến mình chọn
cuốn sách này để nghe audio. Cuốn sách khá bình thản qua giọng kể của Bác sĩ
Nam đã cho mình phần nào hình dung về tâm lý con người, trầm cảm, căn nguyên
của căn bệnh tâm thần, những suy nghĩ lệch lạc đã khiến một người rơi vào trạng
thái tâm thần, những ảo giác, sự hoang tưởng, sự xa lánh của người đời đối với bệnh nhân này ra sao và sự khát
khao được sống như một người bình thường của những con người này như thế nào.
Thường thì mình không thích tự truyện, vì nó chỉ là qua lời kể khá chủ quan của
chính tác giả khiến người đọc mất đi phán đoán khách quan cũng như khả năng đưa ra nhận định
chuẩn xác về sự việc. Nhưng mình rất thích cuốn sách này. Bằng tình yêu công
việc và tình cảm thuần khiết chứa chan dành cho bệnh nhân, lời kể qua từng
trang sách làm ta thấu hiểu hơn về cuộc đời, về những tổn thương mà con người
phải chịu đựng.
Hàng ngày, chúng ta chỉ chú tâm chăm sóc bản thân thể
chất thật tốt để không bị bệnh mà ta lại quên đi việc chăm sóc tâm hồn để phòng
tránh những tổn thương tinh thần. Chúng ta vệ sinh vết thương khi ta bị thương
vậy ta vệ sinh tinh thần như thế nào khi ta bị tổn thương? Đây là thông điệp
thật sự sâu sắc làm mình lưu tâm khi đọc cuốn sách.
Ngoài lề hơn một tí, ở nước ngoài, khi một người làm
việc quá độ và người ta bị stress, hoặc họ đã trải qua một cú sốc gây hoảng
loạn tâm lý, chẳng hạn như một bác sĩ phẩu thuật mới vào nghề đã làm bệnh nhân
của mình chết trên bàn mổ, hay một người phụ nữ đã gần như suy sụp hoàn toàn
khi đỗ vỡ cuộc hôn nhân do chồng ngoại tình sau 10 năm hạnh phúc tưởng chừng
như vĩnh cửu, thì người ta sẵn sàng tìm đến một bác sĩ tâm lý để tìm giải pháp
cho vấn đề của mình. Còn ở Việt Nam, việc này sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng và
thậm chí là bị kỳ thị bởi người khác. Một thực tế thật khắc nghiệt cho chúng ta
phải không? Tại sao chúng ta chú tâm đến bệnh thể chất mà lại thờ ơ đến bệnh
tinh thần như vậy? Tại sao chúng ta lại tạo ra một sự phân biệt đối xử tàn nhẫn
như vậy?
Tâm bệnh nó cũng cần thuốc để chữa trị. Những vấn đề
mà chúng ta gặp phải đều cần một ai khác tháo gỡ nếu bản thân mình không thể tự
dàn xếp được. Tâm hồn của chúng ta đôi khi cũng như em bé cần được nâng niu, vỗ về. Dùng sự tĩnh mịch để lắng nghe tiếng lòng mình. Nó cũng cần chủ nhân chăm sóc, xoa dịu bằng lời thì thầm yêu thương và đón nhận. Mỗi khi ta làm sai điều gì, ta tự trách, tự đỗ lỗi cho bản thân, tinh thần ta trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Bởi sự đau đớn, bởi sự mặc cảm, bối rối trong lòng đã khiến lòng ta trở nên không được bình yên nữa. Cho nên, từ bi với bản thân, sự tự trắc ẩn self-compassion là điều cần thiết để tự yêu thương trân trọng chính mình. Hãy vuốt ve tâm hồn để em ấy cảm thấy an nhiên, cảm thấy được thấu hiểu và chở che.
Self-compassion là một chủ đề về tâm lý học rất lý thú và cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn để yêu thương bản thân mình nhiều hơn, chắc chắn một ngày không xa mình sẽ dành thời gian viết về nó sưu tầm thêm liệu pháp về tâm lý.
Chúng ta vẫn chưa nhìn nhận đúng về vai trò và sự
thiết yếu của một bác sĩ tâm lý trong cuộc sống hiện đại. Theo mình thì, một
bác sĩ tâm lý cũng như một luật sư, họ luôn là người có vai trò bảo vệ hay chí
ít là làm giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất mà khách hàng gặp phải.
Nói hơi châm biếm một chút thì, những người có tâm hồn
mong manh dễ vỡ thì dễ mắc bệnh tâm thần, trầm cảm hơn là những tâm hồn trâu bò
cục xúc = )))) Cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì khả năng tâm thần con người có vấn đề nhiều bấy nhiêu. Theo nghiên cứu cho thấy 15% giới trẻ ở thành phố lớn là có vấn đề về tâm lý. Thực ra mình cũng không tin lắm nhưng mình thấy khá nhiều nam thần kinh haha. Đùa mà như thật, người càng có học thức thì tâm lý càng bất thường thật chứ không đùa. Nói chung là nhìn đâu cũng thấy bất thường thiệt luôn ^^
Theo một khía cạnh nào đó, sự tổn thương không hẳn là
làm ta suy sụp mà nó còn có thể trở thành nguồn sức mạnh vô biên cho bạn.
Nếu bạn có nhã ý muốn hiểu hơn về sự tổn thương, hay
là muốn biến sự tổn thương về tinh thần thành một sức mạnh phi thường, hoặc
giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trước sự cay đắng của cuộc đời thì loạt sách của
Brene Brown chắc chắn là dành cho bạn. Mình sở hữu hai cuốn của nữ tác giả này
là cuốn "sự liều lĩnh vĩ đại - Daring Greatly" và "vươn lên từ thất bại - Rising strong",
mình cam đoan là cả hai cuốn cực kỳ tuyệt vời. Sự thông cảm thấu hiểu, trái tim
nhân hậu của cô như truyền cảm hứng làm sống động cuốn sách, bạn có thể xem bài
diễn thuyết "sức mạnh của sự tổn thương- The power of vulnerability" của cô tại tedtalk. Một bài diễn thuyết khác
cũng không kém phần thú vị là "lắng nghe sự xấu hổ - Listen to shame".
Luôn có hơn một giải pháp cho cùng một vấn đề. Và mọi tổn thương mà ta vấp phải luôn có "thuốc" để chữa trị, bạn muốn "liều lượng" bao nhiêu?
Ranh giới giữa sự thật và
dối trá nó mỏng manh đến lạ lùng cũng tương tự như giữa lòng thương và sự ngu
nguội.
Buổi sáng bình lặng nghe
ca khúc El Perdon (forgiveness) của Nicky Jam ft Enrique Iglesias phiên
bản tiếng anh cảm thấy cái giai điệu la tinh ấy thật dễ chịu nhưng đâu đó vẫn
luôn đi tìm một cảm xúc khác. Cho dù bản tiếng anh có hoàn hảo đến mấy thì vẫn
luôn tồn tại cái cảm giác trống vắng một chút gia vị, mãi đến khi nghe phiên
bản tiếng Tây Ban Nha mới cảm nhận được sự đầy đủ nó được định nghĩa như thế
nào.
Cũng như khi đọc tác phẩm
của Haruki Murakami, cho dù nó tuyệt, nó đặc sắc, nó hư hư ảo ảo, nó siêu thực
nhưng vẫn luôn thắc mắc trong nội tâm rằng hình như nó thiếu cái gì đó, cho đến
khi bạn chạm đến tác phẩm của Kawabata Yasunani bạn mới nhận ra đây chính là
điều mà bạn đang tìm kiếm. Ranh giới giữa sự thiếu thốn và đầy đủ trong văn học
và âm nhạc như màng bong bóng vậy. Nó mỏng đến độ chỉ vài giây là ta đã có thể
bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp, trôi đi sự rung cảm trong nghệ thuật.
Vẻ đẹp ẩn dật của thiên
nhiên, nỗi niềm sâu kín, khuất trong tâm hồn con người, dấu ấn thời gian mãi
không phai mờ như toát lên toàn bộ trong “Xứ tuyết”. Kawabata được mệnh danh là
“người lữ khách ưu sầu đi tìm cái đẹp”, là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình
ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người.
Chàng Shimamura là hiện thân của Kawabata, chàng yêu cái đẹp và yêu những người
đàn bà đẹp, rung cảm mạnh mẽ, một con người thiếu thành khẩn với chính mình.
Chàng yêu Komako – một cô gái tràn trề vẻ đẹp nữ tính, mạnh mẽ không kém phần
trầm lắng về nội cảm, đã đem lại cho Shimamura nhiều cảm giác mới mẻ. Tình yêu
của chàng dành cho Yoko – một ca kĩ với vẻ đẹp mong manh và xa vời, mờ ảo nhưng
thơ ngây lại da diết đến tận tâm can. Hai tình yêu này đã khiến chàng đấu tranh
và giằng xé nội tâm đến nỗi phải lên tàu rời bỏ xứ tuyết quay về Tokyo….Bằng
nghệ thuật trực cảm, thẩm mỹ trực giác cùng với bút pháp tinh tế, phảng phất vẻ
u huyền của kịch nô và sự cô đọng gợi ý của thơ Haiku, Kawabata đã tạo nên một
kiệt tác mang tính mỹ học
của thời đại.
Một đoạn miêu tả của Kawabata trong "xứ
tuyết" mà mình rất thích: "Đoàn tàu leo lên sườn phía Bắc của dãy núi
rồi chui vào đường hầm dài. Khi nó chui ra, ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều
đông như đã bị nuốt vào lòng đất tối om. Còn các toa tàu cũ kĩ, chúng như đã
trút bỏ trong đường hầm bộ áo lóng lánh của sương giá tuyết băng. Tàu chạy xuống
một thung lũng. Ở đây, những khoảng tối hơi nhuốm màu hoàng hôn đã ngập đầy những
vực thẳm xen giữa các ngọn núi cao chồng đống lên nhau. Sườn núi phía bên này vẫn
còn chưa có dấu vết của tuyết."