Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài



Làm như thế nào? Và các giấy tờ cần thiết là gì?

Thủ tục đăng ký kết hôn ở các tiểu bang của Úc cho công dân VN và công dân Úc (gồm thường trú nhân và quốc tịch Úc):

 Passport của 2 vợ chồng
 Giấy tờ ly hôn (nếu có)
Giấy khai sinh hai vợ chồng
Lên website Department of births, deaths & marriages của tiểu bang nơi bạn sinh sống và down form Notice of Intended Marriage (NOIM) điền vào
    Ví dụ bạn ở NSW thì vào link  
Note: lodge a Notice of Intended Marriage (NOIM) - PDF with an authorised celebrant or minister at least one month before an intended date of marriage

  Gọi điện thoại theo số trên website để book lịch hẹn rồi đem lên trực tiếp nơi đó đăng ký, nộp phí từ $420 đến $500 (mức phí có thể khác nhau tùy tiểu bang và thay đổi tùy thời điểm). Người phụ trách bên đó sẽ cho bạn chọn ngày còn lịch trống 1 tháng sau ngày bạn đóng tiền để lên ký giấy kết hôn. Nếu không có 2 người làm chứng thì có thể nhờ họ cung  cấp dịch vụ người làm chứng cũng như các thủ tục tổ chức tiệc cưới (đây là thủ tục ở Perth  tuy nhiên ở các bang khác cũng tương tự)

Note 1: Thực tế không cần Giấy chứng nhận độc thân vì khi đăng ký thủ tục kết hôn mình sẽ declare (Lời thề, với Úc lời thề là rất quan trọng), tuy nhiên, nếu bạn kỹ hơn thì cứ làm và tùy vào Marriage Celebrant của bạn có yêu cầu hay không? Vấn đề này nên hỏi họ để xác minh trước. Trong form đăng ký Giấy chứng nhận độc thân sẽ yêu cầu điền thông tin:
¾    Lý do làm Giấy: kết hôn ở nước ngoài và;
¾    Nơi định đăng ký kết hôn: Úc (không cần khi cụ thể nơi đăng ký là Sydney hay Melbourne, ghi Úc là đã bao gồm toàn thể nước Úc rồi).

Celebrant (linh mục chủ trì hôn lễ) sẽ là người nước ngoài

Note 2: Các giấy tờ là ngôn ngữ khác tiếng Anh phải được dịch thuật ra Tiếng Anh và công chứng tư pháp bản dịch. (công chứng tư pháp bản dịch ở VN đều được). Riêng Passport đã song ngữ nên không cần dịch thuật nữa.

Với trường hợp bạn là thường trú nhân (PR) Úc/ Quốc tịch Úc về Việt Nam kết hôn thì khi quay về Úc bạn cần chủ động update material status (cập nhật tình trạng hôn nhân) lên Centerlink online bằng cách mở tài khoản my government rồi link centerlink với tài khoản mygov đó rồi update relationship lên.
Còn cơ quan Dead and Marriage thì chỉ chấp nhận cho đăng ký kết hôn ở Úc và họ sẽ cấp cho mình giấy hôn thú chứ không chủ động update material status cho mình.

Thủ tục đăng ký kết hôn tại VN cho công dân VN và công dân Úc (gồm thường trú nhân và quốc tịch Úc)

Từ 1/1/2016, việc đkkh có yếu tố nước ngoài sẽ thực hiện tại UBND QUẬN/HUYỆN (bộ phận 1 cửa).

Tờ khai đăng ký kết hôn (hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn) (theo mẫu tham khảo);
Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận các bên không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
 Tức là, đến bệnh viện tâm thần để làm trắc nghiệm tâm lý, họ cấp giấy cho cả hai

Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng. Giá trị sử dụng giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài được xác định theo thời hạn ghi trên giấy tờ. Trường hợp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế có giá trị 06 tháng, kể từ ngày cấp;
Giấy này gọi là Single status (xem mẫu).


Sau khi có Single status gửi nó đến Lãnh sự quán VN tại Úc (nơi bạn sinh sống) kèm passport công chứng + 50$ money order, lúc đó lãnh sự quán VN tại Úc sẽ cấp cho bạn “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” bằng tiếng Việt có đóng dấu của lãnh sự quán. (xem Mẫu)


Nếu mang quốc tịch Úc thì bỏ qua bước xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại Lãnh sự quán VN tại Úc vì Giấy này chỉ xin khi bạn còn mang quốc tịch VN thôi, nhưng về Việt Nam phải dịch thuật Single status ra tiếng Việt.

Công hàm độc thân (hướng dẫn xin công hàm theo link)
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam cư trú trong nước;
 Cần ghi rõ lý do là để đăng ký kết hôn.

Đối với người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm bản sao Hộ chiếu/Giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu hoặc xuất trình bản chính hộ chiếu, giấy tờ thay thế hộ chiếu trong trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ.
Giấy ly hôn (Nếu có)


Thời gian giải quyết:         
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.





Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

[REVIEW SÁCH] Đất máu Sicily - Mario Puzo





Trong thời kỳ được holiday dài ngày trong nhà, không có gì hơn là tranh thủ thời gian vàng trong làng ăn hàng ở không thế này để đọc sách, tu tâm dưỡng tánh và bớt khẩu nghiệp. Nhân chi sơ – tính cà khịa à lộn tính bản thiện, với những anh hùng trong làng nổi khùng và bạo lực máu me thì tiểu thuyết trinh thám về mafia của Mario Puzo sẽ khiến tâm trạng thật dễ chịu biết nhường nào.

Ngoài “Bố già – the godfather” đã quá nổi tiếng khắp vịnh bắc bộ thì mình đã đọc tất thẩy gần 8 cuốn sách của Mario Puzo: “Bố già” mình đã đọc hồi bé, cuốn này đã được chuyển thể thành phim vô cùng xuất sắc đạt được rất nhiều giải thưởng, theo mình thì phim đã mang được cái hồn thực sự của tiểu thuyết vào. Thời sinh viên mình đọc đến “Đấu trường u ám”, “đất khách quê người”, “những kẻ điên rồ phải chết” 2 tập bự chảng luôn, “Người mang họ Kenedy bị ám sát”, và gần đây nhất nhân dịp covid-19 mình đọc như “ăn” tiểu thuyết “Luật im lặng – Omerta”, “Đất máu Sicily” và hiện đang gặm em “Ông Trùm cuối cùng – the last Don”. Trong bài blog này mình ngẫu hứng review một chút về anh hùng trong lòng mình là Turi Salvatore Guliano – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết “Đất máu Sicily”.

Nếu Robin Hood là một nhân vật anh hùng trong văn học dân gian của Anh thì Turi Guliano là anh hùng trong đời thực của miền Sicily. Trong tất cả các cuốn sách của Mario Puzo, có lẽ cuốn này mình thấy buồn và sót xa nhất. Thương cho số phận quên mình vì mọi người, cướp của người giàu chia cho người nghèo của Turi. Với mong muốn cháy bỏng mang lại tự do, dân chủ cho miền đất Sicily quê chàng, khát khao khờ dại của chàng muốn đưa băng đảng thảo khấu của chàng thành một đảng phái chính trị để thay mặt mang lại quyền lợi cho người dân xứ này nhưng dưới ách thống trị và bóc lột man rợ của các thế lực từ chính phủ, bọn mafia thì chàng quằng quại 7 năm để nổi dậy và đã phải bỏ mạng khi 28 tuổi đời. 

“Đất máu Sicily” hay “Sicily – Miền đất dữ” được cho là hậu của “Bố Già” khi mà nó tiếp nối thời điểm chuyển tiếp con út nhà Corleone là Michael Corleone sắp trở về Mỹ sau 2 năm trốn biệt ở Sicily sau khi khử mấy tên cớm đã ám sát hụt bố già Vitor Corleone. Mối quan hệ giữa Turi và nhà Corleone là, bố mẹ của Turi từng sống và làm việc tại gia đình nhà Corleone khi Turi còn đang hoài thai trong bụng bà Maria Lombardo. Ông bố của Turi cũng được cho là bạn thân thiết với Bố già thời còn ở New York.

Xuyên suốt tiểu thuyết là sự đan xen giữa quá trình thỏa thuận giải cứu Turi trở về Mỹ giữa bố già và ông Trùm Croce Malo và hồi tưởng lại quá khứ 7 năm làm thảo khấu của Turi oanh liệt như thế nào. Và người dân ở xứ Sicily đã mang ơn cũng như họ xem Turi như thần thánh ở xứ Sicily như thế nào. Đối với người dân Ý, Turi còn hơn anh hùng ca, tên tuổi nổi như cồn, còn hơn kịch rối làm dân Ý say mê.

Tại sao dưới sự che chở và đảm bảo của nhà Corleone “trứ danh” nhưng Turi vẫn phải bỏ mạng tại Sicily? Ở đây các bạn đôi khi sẽ thất vọng về Bố già khi hiểu được nội tình. Những năm Michael Corleone trốn tránh pháp luật tại Sicily, để bảo toàn tính mạng cho con trai út, bố già đã phải nhờ đến sự bảo hộ của Trùm Croce Malo. Trong khi Turi luôn chống đối với Trùm Croce Malo dù Croce đã nhiều lần xuống nước chiêu mộ Turi về dưới trướng của ổng. Và khi cao trào được đẩy lên cao, quá nhiều lần Turi làm ra những chuyện động trời không nể nang mặt mũi Trùm Croce Malo như: cướp trang sức hiên ngang tại điền trang của Công tước Alcamo; “mời” hoàng thân Ollerto đến nghĩ dưỡng dã ngoại trên núi để thỏa thuận 60 triệu Lire tiền chuộc (chương 12); và Turi còn phách lối hơn nữa khi bắt cóc Đức hồng y ngay dưới sự bảo hộ của Trùm Croce Malo. Và một sự tàn bạo khủng khiếp khi Guliano cho thuộc hạ càng quét bắn bỏ 6 tên đầu sỏ của nhóm Huynh đệ. Theo mình thì, đáng nhẽ ra Turi đã trở về Mỹ cùng Michael trong yên lành nếu chàng không nấn ná ở lại Sicily để chốt quả cuối là khử Trùm Croce Malo. Chính điều đó đã khiến Trùm Croce Malo không thể tha cho Turi được nữa, Turi như cái gai đâm vào sườn Lão. Cho nên Trùm Croce Malo đã có một thỏa thuận ngầm với Bố già sẽ đảm bảo an toàn cho Micheal về Mỹ sau khi Micheal “dụ” được “Chúc thư” từ bà Maria Lombardo – mẹ Turi và đưa nó về Mỹ an toàn dưới tay của bố già, nhưng thực chất là Turi phải chết vì một núi không thể có hai hổ. “Chúc thư” này chính là những chứng cứ mà những năm qua Turi đã thu thập được về việc bắt tay giữa chính phủ, các nhà cầm quyền của Rome với Trùm Croce Malo, nếu những chúc thư này được công khai báo chí thì có khả năng chính quyền Rome sẽ bị lật đổ. Khi nghe tin Turi chết, Micheal đã đau đớn, đã sụp đổ, dù chưa gặp mặt chàng trai này bao giờ nhưng đối với cậu Út nhà Corleone mà nói, Turi là một người anh hùng đáng được trân trọng, Micheal cho rằng mình bị bố già lợi dụng, nhưng đây cũng là bài học đầu tiên mà Micheal được học bởi bố già. Hai người đã có cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này, Micheal cho rằng việc lợi dụng lòng tin của bố mẹ Turi để họ đưa ra chúc thư rồi giết chết con trai họ quả là một điều nhục nhã. Và Turi thực sự là một anh hùng, một huyền thoại và mọi người không nên đối xử với Turi như vậy. Bố già đã tỏ ra bực bội và muốn thằng con mình ghi lòng tạc dạ: “Sống là để khỏi chết, chứ không phải là để trở thành anh hùng”. Nhưng rõ ràng Micheal vẫn còn quá trẻ để mà hiểu cho hết nổi lòng của ông già anh. Và đôi khi chúng ta cũng còn quá trẻ để hiểu hết tình thương mà bố mẹ dành cho mình, họ sẽ bất chấp làm tất cả để bảo toàn mạng sống cho con mình, huống hồ bố già vừa trải qua nỗi đau trong vụ thảm sát mất đi đứa con trai Tony – anh trai của Micheal bị bắn nát thây dưới loạt súng đạn. Và ông làm mọi điều chỉ để Micheal được an toàn trở về Mỹ sau 2 năm sống chui lủi ở Sicily xa rời gia đình. (Để hiểu hơn về cái chết của Tony và cuộc đào thoát của Micheal sang Sicily thì bạn xem trong tiểu thuyết Bố Già)

Thông qua tiểu thuyết này, sẽ tái hiện được vẻ đẹp của tình yêu của gia đình, tình thầy trò, tình làng nghĩa xóm, tình yêu. Rồi bạn sẽ nhận ra sự tin tưởng là một điều quá xa xỉ, thật đấy :DD




Mình đọc kha khá tiểu thuyết của Mario Puzo và phải công nhận một điều là bác khá ưu ái cho các anh nam chính. Mình đã cảm mến anh chàng Micheal Corleone trong “Bố Già” và ngạc nhiên hơn là đạo diễn đã chọn được nam diễn viên trong phim “Bố già” như Micheal bước ra từ tiểu thuyết vậy, từ tư thái lạnh lùng, gan góc cho đến vẻ đẹp nam tính và lãng tử. Và sự nhận xét của Micheal trong lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh chụp của Turi tại nhà bà Maria: “Guiliano đẹp trai cứ như tượng Hy Lạp, tuy diện mạo nom hơi "nặng" một chút: đôi môi hơi dày và gợi dục, đôi mắt bồ câu mở lớn. Đó là khuôn mặt của một người đầy tự tin và cương nghị và quyết tâm giành cho mình một vị trí cao trong xã hội” thì mình phải rửa mắt thực sự trước cái nhận xét đầy sắc sảo về cách nhìn người của Micheal.

Còn dưới nhận xét của hoàng thân Ollorto về chàng trai trẻ thông qua ống nhòm trong trận thanh trừng nhóm 6 Huynh đệ - người đã từng bắt cóc mình và cũng cư xử hết sức lịch thiệp và nhã nhặn với hoàng thân: “Ngài thấy rõ từng chi tiết trên khuôn mặt Guiliano - Đôi mắt bồ câu. Làn da trắng mịn. Đôi môi bình thường lúc nào cũng he hé như mỉm cười, nhưng lúc này mím lại. Ngài biết rõ: sức mạnh toát ra từ khuôn mặt ấy là sức mạnh của đức hạnh. Ngài lấy làm tiếc cái ý thức về đức hạnh của Guiliano đã không một chút nồng ấm của lòng trắc ẩn. Cơn cám dỗ của cái thiện đã đẩy người ta đến chỗ tàn bạo kinh khủng, còn mạnh hơn cơn cám dỗ của cái ác. Ngài biết rõ tâm địa ngay lành, trong trắng, lương thiện và đầy lòng xót thương đối với người nghèo của Guiliano. Chính vì vậy, ngài tự cảm thấy mắc cỡ với chính mình, vì cái vai trò của mình trong vụ này….Nhưng Guiliano đang đứng trước chúng như vị thần báo oán”. Ôi đoạn này mình thắc mắc sao bác Mario có thể viết làn da của Guliano trắng mịn được nhỉ, liệu dịch giả có dịch lộn chổ này không ta?? Và sau khi mò đọc bản tiếng Anh thì mình thấy dịch giả đã dịch không ổn thật. 

Phần tiếng anh của đoạn này đây anh em:
He could see Turi Guiliano’s face clearly and in detail—the oval eyes, the clean planes of his face, the generous mouth now pressed tight; and he knew that the strength in his face was the strength of virtue, and thought it was a pity that virtue was not a more merciful asset. For it was terrible indeed when it was pure, as the Prince knew this to be pure. He was ashamed of his own role….But now Guiliano was standing before them like an avenging angel”.

“the clean planes of his face” đáng lẽ ra nên dịch là “góc nghiên gương mặt sáng sủa” thay cho “làn da trắng mịn” thì phải hơn. Đọc tới đoạn này mình khựng lại, cứ ngỡ đang nghe người ta miêu tả hoa hậu hoa hôi hay quàng hậu xứ nào. Tên cướp được tả đẹp còn hơn hoa hậu, dù mình mê anh Turi này như điếu đổ nhưng dịch giả có cần làm lố vậy không lol.

Các chị em sẽ thích thú với lối miêu tả hình tượng nhân vật Turi trong Đất máu Sicily. Turi được miêu tả vẻ ngoài: “với dáng đẹp trai, đúng kiểu mẫu lý tưởng Địa Trung Hải, thân hình cao lớn của một người Mỹ, khuôn mặt có vẻ đẹp của tượng thần Apollo Hy Lạp-tỏa ra cái vẻ thơ ngây, chân chất của một anh hùng huyền sử; là một người anh hùng đầy đảm lược và mưu trí, đã thắng lực lượng cảnh sát Ý một cách oanh liệt bằng chiến thuật vừa táo bạo vừa khôn ngoan, tài tình”.

Có thể nói Turi chính là chàng tướng cướp điển trai nhất vịnh bắc bộ luôn = ))) không chỉ vậy, chàng còn được cho là một người tài hoa, tri thức và lễ nghĩa, cực kỳ nhã nhặn không chỉ với đàn ông mà cả với đàn bà, con gái. Chàng say mê đọc sách còn biết chơi đàn, chàng nghiên cứu đọc sách từ khoa học, địa lý, lịch sử cho đến triết học và chính trị, cướp có học thức đúng điệu nhé.

Vì vậy mà báo chí ca ngợi chàng hết lời nhưng bởi vì tội sát nhân của hắn không thể được miễn xá chỉ vì hắn đẹp trai, mê đọc sách và biết chơi đàn.

Thực sự thì bác Mario rất ưu ái cho hình tượng nhân vật huyền thoại Turi này, chính vì miêu tả chàng quá hoàn mỹ và đẹp đẽ nên khi đến cái kết chàng bị phản bội và bị bắn chết bởi Aspanu Gaspare Pisciotta – em họ con dì ruột cũng là phó tướng, người đồng hành, tri kỷ, thân thiết nhất và là người mà Turi tin tưởng nhất thì mình cũng sụp đổ theo luôn ấy. Turi đã từng tưởng tượng ra hàng trăm kiểu chết của mình nhưng chàng chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ bị chính người mình tin tưởng nhất bắn chết. Mới thấy được sự tài tình sắp xếp tình tiết bất ngờ của bác Mario cỡ nào. Mình không có ý đâm thọt này kia, nhưng thực tế người bên cạnh mình quay qua đâm nhát ngay tim bạn là chuyện có thật chứ chẵng đùa. Bạn có thể tin tưởng nhân cách của một người, nhưng sự tham lam đã làm tha hóa nhân cách đó đến cỡ nào khó mà đo được.

Mình mất 4 ngày để nghe audio xong cuốn này, mình mất thêm 4 ngày nữa để đưa tang hình tượng Turi trong lòng mình. Và mọi thứ lại quay trở lại quỹ đạo của dòng suy nghĩ mình mới cảm thấy yêu cuộc sống này hơn, như cách bố già ấy, dù nhục nhã cũng còn sống, vẫn tốt hơn làm anh hùng rồi nằm tăm tối dưới nấm mồ = )))

Qua hình tượng anh hùng hóa của Turi gợi mình nhớ đến anh hùng xuất thiếu niên Di lăng lão tổ Ngụy Anh (Ngụy Vô Tiện) trong tiểu thuyết đam mỹ nổi tiếng Ma đạo tổ sư: Trần Tình lệnh của Mặc Hương Đồng Khướu. Bạn muốn làm người hùng cứu giúp thế sự nhân gian rồi sau đó bị chính người thân thiết nhất tiêu diệt. Rất may là tiếng tăm của Turi trường tồn với người đời, còn Ngụy Anh thì tai tiếng ngập trời khi bị hãm hại và hiểu lầm. Mình đã lọt hố phim này khi xem từ tập đầu, Tiêu Chiến thủ vai nam chính Ngụy Anh như bước ra từ tiểu thuyết từ tạo hình cho đến tính cách, là một nhân vật mình cho là cảm xúc vô cùng phức tạp và khó diễn tả. Bên ngoài hoạt bát, vui vẻ, vô ưu với đời nhưng dấu đằng sau đó là một nghịch cảnh cuộc đời bi thảm và ưu thương. Lối diễn xuất với đôi mắt biết kể chuyện cuốn hút cực kỳ. Nỗi lòng của Anh Chiến - Ngụy Anh chính là nội dung của mấy bài hát này: Khúc Tận Trần Tình - Tiêu Chiến; Sold out - Hawk nelson; Bất Vị Hiệp - Tiêu Ức Tình. Bạn thấy đấy, làm anh hùng bí sử thì phải chấp nhận giảm thọ. Mình muốn sống thọ nên thôi phải hạ màn ngay tiết mục này từ đầu = ))) 



Nguồn video: Hắc Nguyệt Bạch Phong

Link Audio youtube đây, giọng đọc cực hay nhé, nếu ai không hợp gu thì thôi bỏ qua, mua sách đọc, hoặc tải sách ebook pdf tại đây, trau dồi ngoại ngữ thì xem bản ebook tiếng anh tại đây.

Ông bà xưa có câu: “chết vinh còn hơn sống nhục”, ôi dm, mình thấy sai quá sai trong trường hợp này rồi. Turi là con đỡ đầu của giáo sư sử học Hector Adonis tại Đại học Palermo, Turi cũng yêu quý và tôn trọng ông hơn hết ai khác trên đời. Dù Turi có là một tên cướp đi nữa thì ông vẫn yêu thương và mong Turi bình an, sẵn sàng giúp đỡ Turi vô điều kiện. Khi biết những suy nghĩ bạo dạn của Turi ông đã thốt lên: “Là một thằng ăn cướp đã là quá mạo hiểm, nhưng là một nhà cách mạng thì lại càng mạo hiểm hơn. Trong văn chương thì mọi sự đều hay, đều đẹp cả. Nhưng trong thực tế cuộc đời thì làm vậy là mau xuống mồ lắm, con ơi!”. Ông giáo sư không hổ là giáo sư anh em nhỉ, nói quả nào trúng phóc quả ấy. Khi ấy, Turi là chàng trai bao hoài bão, đầy sức trẻ 21 tuổi. 

Sự lương thiện và lòng trắc ẩn của Turi bạn sẽ cảm nhận rõ khi chàng đã tha chết cho hạ sĩ Canio Silvestro – người từng đã vùng lên bóp cò bắn chàng, nhưng đây là người đã luôn trung thành với Turi sau này. Turi đã 2 lần tha mạng cho Stefan Andolini nhưng cái lão da đỏ Andolini lại một chân đạp hai thuyền, thực tế mình cũng như Micheal đếch hiểu cái lão này là thế nào? Sự nhân từ, mềm mại bên trong của Turi khiến ai cũng phải thấu hiểu và yêu mến, phải nói là một chàng trai hết sức đáng yêu nhưng chính cuộc tàn sát ở Portella del Ginestra thảm sát đàn bà và trẻ em do âm mưu đen tối của Trùm Croce Malo đổ vạ cho Turi bằng cách mua chuộc thuộc hạ của chàng, đã làm niềm kiêu hãnh trong lòng Turi sụp đổ và đau đớn. Khiến Turi trở nên khát máu hơn bao giờ hết. Mình thấy rằng, đôi khi lòng nhân từ nó chính là căn nguyên của sự diệt vọng. Nhưng giữa sự lương thiện và man rợ liệu có cắt nghĩa rõ ràng được chăng? Cũng như Chí Phèo từng nói: “Ai cho tôi lương thiện?”.

Nếu mà viết về Turi thì chắc mình có thể viết bình loạn cả mấy chục trang vẫn chưa xong :DD Độ yêu mến mình dành cho cuốn này nó còn hơn cả cuốn Bố già, nhưng nếu mà để áp dụng vào cuộc đời sự nghiệp và làm người thì mình nghĩ cuốn Bố già là số một rồi. Nếu mà noi gương anh Turi thì có vẻ chết không toàn thây, chết đúng theo nghĩa đen. Bài này mình chỉ phân tích những khía cạnh ưu điểm của Turi thôi, để mà phân tích về nhược điểm của nhân vật này thì chắc viết cũng 5, 10 trang chứ chẳng đùa. Những nhược điểm của anh này đã đưa đến sự hủy diệt như chính kết cục của ảnh. Thẳng thắn mà nói, nếu bạn đọc kỹ cuốn này, bạn sẽ học và rút ra được bài học kinh nghiệm cho cuộc đời mình từ chính những sai lầm của chàng hơn là học hỏi những cái ưu điểm của chàng.

Theo như tìm hiểu của mình thì đã có bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết này đó là bộ phim “The Sicilian” ra năm 1987 đạo diễn bởi Michael Cimino. Cay một điểm là nó có 1 bản trên Youtube nhưng không có sub haha. Mình đang mò mẫn để kiếm. Nếu bạn nào biết giới thiệu mình với nhé :DD

<3 Sandy Vuu <3

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

[REVIEW SÁCH-PHIM NHẬT] KHI TÁCH CÀ PHÊ CÒN CHƯA NGUỘI - Toshikazu Kawaguchi





Mùa dịch covid bạn làm gì vào mỗi sáng? Nhâm nhi tách cà phê nóng hôi hổi và cùng thưởng thức những thước phim “Khi tách cà phê còn chưa nguội” và nghiền ngẫm về đời mình. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Nhật Toshikazu Kawaguchi và được công chiếu vào năm 2018. Cuốn sách được phát hành tại Việt Nam vào tháng 8/2017. Và hiện tại tiki/fahasa đã hết hàng T_T
Link phim
Link ebook (đọc cho đỡ ghiền chỉ dịch có một phần à). Ai có full bản ebook thì cho mình xin với nhé. 




Bạn vẫn thường nghe mọi người hay tiếc nuối, than thầm “nếu như” “giá mà” “Hồi hay” vân vân mây mây. Ai cũng từng có những lần hối tiếc về những điều xảy ra trong quá khứ, đan xen bao cảm xúc hối hận, cắn rứt, day dứt, đau buồn, phiền muộn nhưng liệu có thay đổi được gì chăng? Nếu như có thể trở về ngày hôm đó, bạn sẽ quay về để gặp ai? Thường thì, trong các bộ phim hay tiểu thuyết, khi nói tới cổ máy vượt thời gian thì đều có motip chung là, đưa người ta trở về quá khứ, sau đó bằng cách nào đó thay đổi thực tại. Nhưng trong “Khi tách cà phê còn chưa nguội” thì “Khi quay trở lại quá khứ, dù có cố gắng bao nhiêu đi nữa, bạn cũng không thay đổi được hiện tại”. Bạn có thốt lên rằng: “nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa”?. Nhưng ở Cửa tiệm cafe nổi tiếng có tên Funikuri Funikura với tone nâu đỏ ma mị, những vị khách thực sự đã quay ngược thời gian trở về quá khứ để hoàn thành những điều còn dang dỡ ấy.

“Chỉ cần có trái tim, con người có thể vượt qua bất cứ khó khăn, trắc trở nào trong cuộc sống. Thế nên, dù hiện thực không thể thay đổi được nữa, nhưng nếu trái tim con người thay đổi thì chiếc ghế này chắc chắn sẽ có một ý nghĩa quan trọng…”

Nội dung xoay quanh bốn câu chuyện trong một cửa tiệm cafe ẩn nấp dưới tầng hầm ở Nhật của năm 2018 (Năm Heisei 30) và năm 2019 (Năm Heisei 31), bốn hoàn cảnh khác nhau, tưởng chừng như rời rạc nhưng bốn mảnh đời ấy lại như có các mắc xích kết nối với nhau. Và đâu đó trong những mẫu chuyện ấy, phản ảnh chính bản thân bạn trong đó. Đôi khi, mình nghĩ, hối hận ở hiện tại khiến ta chìm đắm trong tội lỗi, tự trách mình như cô gái sắp bước vào tuổi 30 – Kirai (trong câu chuyện thứ ba). Cô ấy nghĩ rằng chính cô là người đã khiến em gái mình ra đi mãi mãi và giá như cô ấy không bốc đồng, không ngang ngược, ích kỷ và sống theo ý mình, thì có lẽ cô em gái Kimi- người mà cô yêu thương nhất sẽ không xảy ra tai nạn. Dường như muốn nhắc khéo chúng ta, chẳng có “hiệu thuốc” nào bán “thuốc hối hận” cả. Kirai đã thông suốt khi cô được trở lại quá khứ để nói lời chia tay với em gái và cô ấy nhận ra rằng: “Nếu cứ đau buồn khi nghĩ về em gái mình thì khác gì nó sinh ra để khiến người khác phiền não sao? Thế nên, tôi phải sống thật hạnh phúc. Tôi cũng sẽ mang hạnh phúc đến với ba mẹ và những người chung quanh.”

Phân cảnh ma mị quay về quá khứ trong phim

Như trong “Hiệu ứng cánh bướm – The Butterfly Effect”: “change one thing, can change everything” là đúng với mẫu chuyện đầu tiên của cô gái Kiyokawa Fumiko và chàng trai Katada Gorou. Một thay đổi thái độ để thấu hiểu chàng trai đã thay đổi cả vận mệnh của cô ấy trong tương lai của họ. Họ đã chia tay nhau ở hiện tại và rồi chàng trai sang Mỹ. Cô gái đã quay trở lại quá khứ để hiểu rõ lòng mình với chàng trai và nhận ra rằng cách hành xử của mình trong quá khứ là không đúng và điều đó một chút nữa đã khiến hạnh phúc vụt mất khỏi tay cô. Quá khứ sẽ không thay đổi nhưng tương lai là chuyện còn chưa xảy ra, tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Đến với cái kết happy ending của couple này, cô ấy said: “Thời gian nhanh như chó chạy ngoài đồng, chỉ cần do dự một chút thôi thì hiện tại và tương lai sẽ thành quá khứ ngay và tôi không muốn mất đi điều ấy”.

Khi tách cà phê còn chưa nguội – chúng ta vẫn còn cơ hội để yêu thương thêm một lần nữa.

Có một phân cảnh mà Fumiko thắc mắc liệu có đến tương lai xem trước được không, mình thấy rất đáng để suy ngẫm. Dù tác giả tưởng tượng phong phú nhưng mình đánh giá cao sự tưởng tượng này nằm trong giới hạn chấp nhận được chứ không lố như Doremon của thế kỷ 22. Vì biết rõ chuyện xảy ra trong quá khứ, ta mới xác định được thời điểm để trở về. Nhưng tương lai thì không như vậy, ta đâu thể biết chính xác thời điểm người mình muốn gặp có ở đây hay không? Đây có vẻ như mang ngụ ý rất sâu xa và thâm thúy về cuộc sống. Nó đưa mình đến một suy nghĩ, dường như tất cả mọi người chúng ta sẽ phải gặp trên trường đời nó đã được an bài sẵn mà người đời thường gọi là “định mệnh”, kết quả sẽ được phản ánh dựa trên phạm trù “nguyên nhân – kết quả”. Cái kết happy ending hay sad ending là sự lựa chọn nằm trong tay mình.

Phim/Cuốn sách đưa đến một thông điệp tích cực cho bạn, hãy thôi nhìn về quá khứ cũ kỹ, cất giữ nó trong tim, hướng đến tương lai tươi sáng và sống trọn từng khoảnh khắc của thực tại. Phải chăng, cuốn sách là một ảo tưởng của tác giả để làm lòng mình thanh thản trước những sai lầm trong quá khứ….

Phim/sách thần thánh hóa một số điều viễn tưởng nhưng dù sao đi nữa, let it go, trân trọng cuộc sống hiện tại, luôn có cái nhìn khách quan về mọi thứ, hướng đến sự chân thiện mỹ của cuộc đời. Trong cuốn “Bảy quy luật tâm lý để thành công” có nói: “Quá khứ đã là lịch sử, tương lai còn chưa tới chỉ hiện tại mới là món quà cho ta”. Những gì đã là lịch sử, nó xứng đáng được lưu giữ, chính những sai lầm trong quá khứ mới tạo nên những giá trị của hiện tại, và không có lý do gì khiến chúng ta tiếc nuối về nó cả. 

3 đồng hồ cổ quá khứ, hiện tại và tương lai trong tiệm cafe 

Đối với mình, nội dung của “Khi tách cà phê còn chưa nguội” khá buồn nhưng tất cả đều có cái kết hết sức viên mãn và tròn. Những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm nồng ấm sẽ khiến bạn cảm thấy lâng lâng niềm hạnh phúc dù đang cách ly xã hội trong thời điểm hiện tại ahihi. 

Cái kết HE của Kazu cô chủ quán cafe