Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

[REVIEW PHIM CHIẾU RẠP] The Aeronauts - Kẻ du hành trên mây


Eddie Redmayne chưa bao giờ làm mình thất vọng
Đây là một bộ phim kể về khoa học nghiên cứu thế giới vũ trụ, các tầng không gian trên mây những năm 1862 thông qua một khinh khí cầu.

Bỏ qua các tình tiết hư cấu thì mình đánh giá cao bộ phim bởi chứa đựng quá nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống, tình yêu, đam mê, sự thấu hiểu, lòng gan dạ dũng cảm, lòng đố kỵ và pha lẫn nhiều tình tiết hài nước.

James Glaisher (do Eddie Redmayne thủ vai) bằng tình yêu say mê với khoa học, mang theo đam mê và nghĩa cử cao đẹp muốn cứu nhân loại thông qua nghiên cứu của mình về dự báo thời tiết "To understand is to prepare our world for floods, droughts, famines. I ask for funding for my own expedition into the skies" nhưng ở thời đó đây được xem là một ảo tưởng viễn vông, vấp phải vô số sự phản đối từ giới khoa học và dư luận. Câu nói kinh điển anh đã phát biểu trước đám nhà khoa học "Chúng ta hiểu nhiều về thế giới xung quanh hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử. Vậy mà, chúng ta vẫn bị giới hạn bởi sự ngu dốt của chính mình". Bằng ý chí kiên trì và sự nhiệt huyết của mình, sau 2 năm chờ đợi cuối cùng chuyến du hành thám hiểm trên khinh khí cầu đã được thực hiện. Bài học lớn ở đây là, con đường thành công không bao giờ trải đầy hoa hồng, và không có dấu chân của kẻ lười biếng, thiếu ý chí phấn đấu.

Sự thất bại trong lần thuyết phục đầu tiên trước hội đồng khoa học của James đã khiến nhiều người bàn tán và chê cười anh, nhưng anh không quan tâm đến thế giới bên ngoài anh chỉ nói "miễn là bố không thấy thất vọng vì con". Anh ấy có một người bố, người mẹ luôn ủng hộ đằng sau, thật tuyệt vời biết bao khi gia đình là nền tảng cùng bạn đi qua những thất bại và thành công. Đằng sau những sự thành công luôn có sự động viên từ gia đình.

Với tư cách là một nhà khoa học, dự báo về thời tiết, luôn chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, James là ẩn thân cho một kiểu người luôn biết lên kế hoạch. Chuẩn bị sẵn chim bồ câu đưa tin tức để mang tin tức nghiên cứu của mình lưu lại, ghi chép cụ thể tỉ mĩ cho các phát hiện mới mẻ và các thông số như độ cao, nhiệt độ, ... Đấy mới thấy được tầm quan trọng của việc lên kế hoạch, hoạch định trước rất đúng với câu "Thất bại trong sự chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại".



Eddie Redmayne - anh ấy thật nữ tính trong "cô gái Đan Mạch" nhưng cực kỳ manly và quý sờ tộc trong "Kẻ du hành trên mây". Là một trong diễn viên mình cực kỳ thích của Bộ môn điện ảnh chiều thứ 7, dù bận thế nào nhưng phim của anh ấy là nhất định phải xem. Tất cả những bộ phim anh ấy từng đóng đều là nguồn động lực mạnh mẽ mỗi khi mình cảm thấy thất vọng về cuộc sống, đặc biệt là khi không cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Khoa học là niềm say mê, sự hạnh phúc của anh ấy, xem phim này bạn sẽ tự hỏi "liệu mình có hạnh phúc trong công việc mình đang làm hay không?
Jame said: "There’s nothing more beautiful than the stars in the sky. We are dancing amongst them." Anh ấy yêu công việc mình làm, tìm thấy được vẻ đẹp thực thụ của nó.

Với nỗi đau mất chồng gặm nhấm quả phụ Amelia Wren (Felicity Jones thủ vai) khiến cô phi công trẻ tuổi sống trong bóng tối 2 năm. Cho đến khi gặp nhà khoa học James Glaisher tại một buổi vũ hội. Trên cuộc hành trình đầy gây cấn và kịch tính khi phải vật lộn trong cơn giông bão trên khinh khí cầu trên không, cô đã bộc bạch với James về nguyên nhân cái chết của chồng mình. Diễn xuất qua ánh mắt của Amelia rất chân thật và xúc động, ánh mắt đau đớn và tuyệt vọng khi nhắc đến cái chết của người chồng (cũng từng là một nhà khoa học). Perrier - người chồng đã vì cứu cô mà tự nguyện hi sinh bản thân mình trên khinh khí cầu, cái chết của anh không phải vì sự ngông cuồng muốn tranh đấu với đám nhà khoa học mà vì tình yêu dành cho người vợ. Cả thế giới đã chỉ trích cái chết của chồng Amelia và không một ai thấu hiểu. Ở đây cho chúng ta thấy bài học, nhìn thấy vậy nhưng chưa chắc là như vậy. Nào sống trong chăn mới biết chăn có rận. Ai khóc cho nỗi đau của cô ấy, không ai hết.


Sự dũng cảm gan dạ của Amelia khi dành giật sự sống từ tay tử thần, đã bất chấp nguy hiểm leo lên trên nóc khinh khí cầu để phá bình khí gas. Động lực thôi thúc cô làm điều ấy vì cô không muốn quá khứ với người chồng lại lập lại lần nữa với James. Dù đôi bàn tay nứt nẻ lạnh thấu xương do nhiệt độ càng lên cao càng loãng cũng không làm cô lùi bước trước ý chí về sự sống.
Biểu cảm đa sắc thái trong đoạn tranh luận với người chị của her làm mình cực ấn tượng
Antonia: I hated you going up in that balloon. I do not wish to lose you to anymore foolishness.
Amelia Wren: I believe there are answers in the sky. Up there is where I have found the greatest happiness.

Bộ phim có vẻ ưu ái hơn cho Amelia khi có khá nhiều đất diễn cho nữ chính. Nhưng quả thật 2 diễn viên này kết hợp khá ăn ý, mình thấy còn ăn ý hơn cả trong Thuyết yêu thương.

Các cảnh quay trong phim cực kỳ mãn nhãn. Khinh khí cầu quá đẹp quay toàn view thành phố và cực quang trên bầu trời.

Bộ phim này có rất nhiều điều và bài học, câu nói hay nhất trong phim mà mình thích là của Amelia đã nói: “We took to the skies to change the world, but you don’t change the world simply by looking at it. You change it by living in it”. Chúng tôi có thể bay lên bầu trời để thay đổi thế giới, nhưng bạn sẽ không thay đổi được cuộc sống theo cách mà bạn nhìn nó. Bạn chỉ thay đổi cuộc đời mình khi bạn “cháy” hết mình với nó.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Truyện ngắn "vũ nữ" của nữ nhà văn Ba Lan Olga tokarczuk



Những người yêu nghệ thuật thì rất nhiều, nhưng người sống chết vì nghệ thuật là thiểu số. Nhưng dù có sống chết với nghệ thuật thì cũng không có nghĩa là người nghệ sĩ đó sẽ thành công.
Nghe truyện ngắn này mới thấu hiểu được một chút tâm tư của người nghệ sĩ. Đằng sau ánh hào quang là cả một nỗi đau, đắng cay và sự hi sinh từ bỏ nhiều thứ. Cuộc đời người nghệ sĩ bao thăng trầm thể hiện rõ qua lời kể cuộc đời của một người nghệ sĩ quá lứa lỡ thì trong "vũ nữ".
Có những người dù lớn tuổi vẫn vươn mình khát khao với sự nghiệp nghệ thuật. Hơn nữa đó còn là sự khẵng định mình trước sự phủ nhận của người bố.
Tình yêu đam mê với nghề múa, nổi niềm của đứa con luôn muốn nhận được sự thừa nhận từ người bố.
Đằng sau sự nổ lực của mỗi đứa con luôn rất cần sự động viên, ca ngợi và tự hào của bố mẹ.
Cảm động của truyện ngắn này được thể hiện ở khát khao và say mê đối với nghề múa của cô ấy. Bức thư gửi bố bày tỏ nổi niềm xen lẫn trách móc khiến mỗi người đọc phải suy ngẫm. Sự áp đặt của bố mẹ làm con cái thất vọng, sự đau khổ của con lúc còn bé do người bố người mẹ gây ra đã như vết thương lòng cùng con theo năm tháng. Đôi khi khiến con cái hiểu lầm cả tình yêu của bố mẹ dành cho con. Dù ý tốt của bố mẹ là không muốn con theo con đường nghệ sĩ, đơn giản vì nghệ sĩ thì không hạnh phúc. zzzz Một lá thư bộc bạch toàn bộ tâm tư, vết thương lòng từ lúc bé cho đến già của người vũ nữ.
Nghe tác phẩm này lại tự nhiên khiến mình nhớ đến bài hát "kiếp cầm ca", kiểu buồn mang mác, thương thay cho thân phận người nghệ sĩ.
Buồn đến nổi không muốn viết review nữa huhu
Con cái luôn muốn được sự thừa nhận của bố mẹ.
Tác phẩm buồn quá.
Ai lười đọc có thể nghe audio tại đây


Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

BẤT CHẤP MUỐN ĐỊNH CƯ ÚC THEO DIỆN KẾT HÔN GIẢ VÀ CÁI KẾT……NGHIỆP QUẬT LÀ CÓ THẬT


Trước khi nói đến vấn đề “nghiệp quật nhân quả” thì mình sẽ chia sẻ sơ qua một số loại thị thực định cư Úc cho cặp đôi như sau:

💓 Sub class 300 - Prospective Marriage visa
Sub class 300 hôn phu hôn thê là thị thực bảo lãnh diện đính hôn nộp hồ sơ từ bên ngoài Úc. Dù Úc chấp nhận hôn nhân đồng giới, tuy nhiên, diện này chỉ dành cho đương đơn và người bảo lãnh khác giới.
Đương đơn phải kết hôn với người bảo lãnh trong vòng 9 tháng kể từ ngày được cấp thị thực. (Thị thực này chỉ có thời hạn 9 tháng kể từ ngày cấp)

Điều kiện nộp hồ sơ, phí xét hồ sơ và thời gian xét duyệt hồ sơ (sub class 300)

💓Sub class 820 - Partner visa (temporary) và sub class 801 - Partner visa (Permanent)
Là thị thực kết hôn cho phép đương đơn nộp hồ sơ onshore (bên trong Úc). Cho phép bạn được ở bên trong Úc trong thời gian chờ xét duyệt thị thực 801. Temporarily while we process your permanent Partner visa (subclass 801) application or it is withdrawn.

Điều kiện nộp hồ sơ, phí xét hồ sơ và thời gian xét duyệt hồ sơ (sub class 820)
Điều kiện nộp hồ sơ, phí xét hồ sơ và thời gian xét duyệt hồ sơ (sub class 801)


💓Sub class 309- Partner (Provisional) visa và sub class 100 - Partner (Migrant) visa
Là thị thực kết hôn cho phép đương đơn nộp hồ sơ từ bên ngoài Úc (offshore)

Điều kiện nộp hồ sơ, phí xét hồ sơ và thời gian xét duyệt hồ sơ (sub class 309)
Điều kiện nộp hồ sơ, phí xét hồ sơ và thời gian xét duyệt hồ sơ (sub class 100)
Mỗi diện bão lãnh vợ chồng, hôn phu hôn thê cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào, chuẩn bị cho buổi phỏng cấn ra sao, khi nào có dịp mình sẽ viết bài chia sẽ kỹ chi tiết cho từng loại với mọi người dưới sự hiểu biết của mình. 

Đây là các loại thị thực liên quan đến bảo lãnh vợ chồng hôn phu hôn thê ở Úc. Nhiều người đã lợi dụng điểm này để tìm partner có thường trú nhân hay quốc tịch Úc, kết hôn làm hồ sơ để lấy thường trú nhân và định cư tại Úc. Tuy nhiên, câu chuyện đáng buồn mà tương lai viễn cảnh ra sao ít ai có thể nghĩ tới. Mình kể ra đây để bất kì ai đọc được sẽ suy ngẫm khi bạn có ý định bất chấp định cư Úc theo con đường này, khi mà bạn chẳng phải vì tình yêu mà chỉ vì một thứ phù phiếm mang tên THƯỜNG TRÚ NHÂN hay QUỐC TỊCH ÚC.

Anh Việt Kiều Úc này vì muốn kiếm tiền nhanh gọn lẹ để ăn chơi trác tán mà không phải lao động nên đã nhận lời chấp nhận kết hôn giả với một chị T (mình tạm gọi là T) tại Việt Nam. Với mỗi case kết hôn giả nhằm có thường trú nhân này theo mình biết là người có nhu cầu sẽ phải trả cho người có quốc tịch Úc từ 40,000 USD đến 80,000 USD, có rẻ cỡ nào cũng 30,000 USD. Sau mấy năm làm hồ sơ và chờ đợi thì cũng có kết quả đậu như mong muốn của hai bên. Sau đó cả hai sẽ làm thủ tục ly hôn giải thoát cho nhau khỏi ràng buộc về mặt pháp lý. Rồi sau đó, một lần anh Việt Kiều Úc này về Việt Nam chơi và đem lòng yêu một chị khác (quê chị này ở Nha Trang). Mối tình của họ thắm thiết với nhau được độ hai năm thì họ quyết định kết hôn với nhau. Lúc đó, chị này đã mang bầu, anh này thì quay về Úc thuê luật sư chuẩn bị hồ sơ bão lãnh vợ. Hồ sơ bão lãnh hôn nhân ấy cho mãi đến giờ khi bé gái con anh chị đã lên lớp hai vẫn im như thóc biệt vô âm tích không tin tức. Cũng giống như thị thực du lịch 600, Bộ di trú có thể cấp cho bạn nhưng cũng sẵn sàng cancel nó khi nghi ngờ tính thật của hồ sơ bạn. Hồ sơ định cư thì càng sẽ được xét duyệt cẩn trọng hơn, tuy nhiên một số luật sư rất cao tay chuẩn bị hồ sơ qua được mắt CO của Bộ di trú khi làm hồ sơ kết hôn giả. Anh Việt Kiều này chính vì đã từng kết hôn một lần rồi ly hôn nên bộ hồ sơ kết hôn lần hai được quả thật sẽ được liệt vào diện đặc biệt cần được quan tâm. Nếu bị phát hiện lần trước là giả thì lần này vĩnh viễn hồ sơ không bao giờ được chấp nhận nữa. Con gái thì hỏi mẹ “ mẹ ơi bố đâu rồi”. Mình không phán xét ai đúng ai sai trong tình huống này, nhưng rõ ràng một lần chơi dại thì cả đời hối hận. Khi anh này chấp nhận giao kèo kết hôn giả dĩ nhiên anh sẽ không nghĩ đến chuyện định mệnh đưa mình gặp chân mệnh thiên nữ của đời mình. Và đâu đó vô hình trung cái chị kết hôn giả với anh này cũng có thể gặp phải hiệu ứng cánh bướm khi chị ấy được chân mệnh thiên tử của mình ở Việt Nam cũng nên.

Thường thì người ta chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt mà quên đi chiến lược lâu dài cho tương lai. Chỉ nghĩ đến cái hữu hạn mà quên đi chiều sâu vô hạn. Giống như nhiều người hay chơi đùa với hồ sơ của mình, nhưng khi rớt một lần thì mới hiểu được tính nghiêm trọng của nó, mới biết chữ SỢ viết ra sao, ban đầu ai cũng dũng cảm lắm. Chị vợ anh này hỏi mình “bây giờ chị phải làm sao em, hồ sơ cũng 8 năm rồi, chị chờ đợi 8 năm ròng rã mà như chờ một điều không bao giờ đến?”. Hỏi mình mình biết làm thế nào = = Nếu bạn có lỗi với người thân, hay nói dối một điểu gì đó, làm sai gì đó thì người thân, người hiểu mình có thể sẽ tha thứ cho mình, nhưng Bộ di trú CO xét hồ sơ họ không quan tâm bạn buồn ra sao, yếu đuối cỡ nào, mà họ chỉ quan tâm về mặt logic, tính thật của hồ sơ. Khi họ phát hiện ra sự giả dối thì dĩ nhiên hồ sơ của bạn một là bị từ chối (cái này còn đỡ nè), hai là ác hơn nữa sẽ “cầm tù” hồ sơ như kiểu nhốt Bạch xà trong tháp Lôi Phong.

Vì số lượng hồ sơ kết hôn giả mỗi ngày một gia tăng, nên phía Bộ di trú đã dè chừng và xét hồ sơ khá kĩ. Có rất nhiều trường hợp hồ sơ kết hôn thật bị từ chối sau vài năm chờ đợi thương tâm mà mình thấy mỗi ngày. Những người kết hôn giả vô tình đã làm những người kết hôn thật phải hứng chịu nổi đau không thể nào nguôi ngoai khi mà hạnh phúc và tình yêu của họ hoàn toàn tắt hết hi vọng bởi ranh giới quốc tịch. 😰😰😭

Mình hi vọng chia sẻ của mình sẽ giúp được nhiều bạn TỈNH lại khi có ý định bất chấp định cư Úc theo con đường sai trái này, và tự chặt đứt tương lai của mình.💋


Tình yêu và hôn nhân là một điều thiêng liêng và diệu kì, xin CON NGƯỜI hãy đừng lợi dụng nó để làm điều sau trái, đánh mất vẻ đẹp của nó. 

Vũ San 💪💪💪

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

ĐI NƯỚC NGOÀI CẦN LƯU Ý GÌ?



Trước khi đi du lịch bạn thường chuẩn bị gì? Lên plan những chổ ăn chơi đàn đúm? Sắm mớ quần áo đẹp sống ảo? No no, dĩ nhiên cái này cũng có trong danh mục cần quan tâm nhưng không phải chỉ có thế.

Trên hết là phải đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân. Muốn đến một nước nào du lịch đầu tiên mình hay check xem hiện giờ ở đó có đang bất ổn về chính trị gì không, có sắp đánh nhau với thằng nào khác không? Chọn mùa đẹp, khí hậu ôn hòa mát mẻ mà đi. Do đó việc mua bản hiểm du lịch là cực kì cần thiết. Mua bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho chuyến đi của bạn, lỡ có thiệt mạng thì người nhà cũng còn có tiền hốt xác về là một, thứ hai là nếu máy bay ở nước ngoài có delay cỡ 6 tiếng đổ lên thì bạn sẽ được bồi thường một số tiền nhất định, thứ ba là nếu có bị thương sự cố bệnh lý gì đấy thì còn được hỗ trợ viện phí. Chẳng ai mong được đền bù nhưng thôi một cái bảo hiểm du lịch cỡ bằng cái nồi lẩu thôi, cho nên mua cho nó lành.

Trước khi đi du lịch bạn thường đổi tiền Việt ra tiền của nước sắp đến đúng không? Tuy nhiên qua đó chơi high quá hết cha nó tiền mặt rồi thì giờ phải làm sao?? À cà thẻ visa mang theo sao, cái này thì thôi quỳ lạy nhé, nó trừ tiền chắc xỉu luôn nè, thêm nữa ở nước ngoài mà dùng thẻ visa/mastercard rất dễ bị đánh cắp thông tin và bị mất tiền hồi nào không hay. Do đó, nên đề phòng những trường hợp này kẻo mất tiền oan. Sắm cái thẻ Prepaid để không bị đánh cắm thông tin, đảm bảo an toàn tính bảo mật thông tin tài chính cho chính bạn. Cái này mình mới được anh chồng của chị bạn giới thiệu. Mình cũng đang nghiên cứu để xài nó. Hiện giờ có eximbank và ACB có loại thẻ này, nào mình tạt qua bank mình hỏi cách dùng cũng như mức phí rồi về update lại bài viết ha = )))

Lên plan du lịch thời điểm nào để booking máy bay khách sạn cho giá rẻ. Tuy nhiên không phải nước nào cũng làm được điều này. Nhiều người booking vé máy bay đi Nhật trước cả năm trong khi chưa xin thị thực Nhật, thị thực Nhật bây giờ rớt như mưa. Mua vé càng sớm thì giá rẻ, đặc biệt mùa hoa anh đào nở tháng 4 và mùa lá đỏ tháng 11 là hai mùa đẹp nhất trong năm phù hợp đi du lịch Nhật Bủn. Nhưng mua vé rồi mà rớt bịch visa thì hơi đau chút. Tùy quan điểm và điều kiện kinh tế mỗi người mà đưa ra chủ ý cho hợp lý.

Nếu bạn là người có vấn đề bệnh lý đặc thù nào đó thì nên tìm hiểu kỹ về khí hậu vào thời điểm mình đến quốc gia đó để xem xét điều kiện sức khỏe của mình có cho phép, có ổn không. Khi đi nên mang theo thuốc gì. Thậm chí người bình thường khỏe mạnh cũng vẫn phải mang theo một số loại thuốc phòng thân. Tuy nhiên, bạn nên nghiên cứu các thành phần chứa trong loại thuốc mình mang đi có chứa chất cấm, hay hàm lượng chất kích thích vượt mức cho phép hay không.

Mình có đứa bạn đi du lịch Singapore, sang đó cuốn đồ đạc thế nào đó mà cuốn luôn cái passport vào máy giặt giặt chung với đống quần áo. Tốn hình như gần 300usd tiền ngu xin cái giấy thông hành để lên được máy bay về Việt Nam. Cho nên đi đâu nhớ cẩn thận cái vụ giấy tờ nhân thân của mình. Chưa kể nhiều bạn bị cướp đồ đạc hành lý các thứ thì rất nguy hiểm. Hầu như ai cũng có xài thẻ visa hoặc mastercard, nên chuẩn bị trước các số điện thoại để gọi báo cho ngân hàng mình đang dùng khóa thẻ lại trong trường hợp bị mất thẻ ở nước ngoài.
Tốt nhất là nên gửi lễ tân khách sạn passport của mình trong khoản thời gian du hí ở đó cho chắc ăn. 

Những việc cần làm khi bị mất passport:
1) Bình tĩnh: không phải ai cũng bình tĩnh được khi phát hiện giấy tờ quan trọng bị mất. Nhưng phải ráng thôi bạn à, không ráng thì không lẽ nằm luôn bất hợp pháp ở quốc gia người ta.
2) Làm mọi cách có thể để tìm lại passport: cái này đôi khi cũng khá hữu ích đó là tìm thử hết các nơi có thể xem sao, hoặc dán tờ rơi thử vận may. Nói chứ cái này đôi khi nó hên lắm, nhờ cách dán tờ rơi này mà mình từng tìm lại được biển số xe máy của mình đó. hồi năm 2016, mình phóng nhanh vượt ẩu các kiều thế nào ấy mà xe rớt biền số hồi nào không hay, cái này mình nói nhiều khi nó buồn cười nhưng là có thật. Trước ngày đó mình có mang xe ra tiệm cho người ta rửa mà vẫn không phát hiện được biển số sắp rớt. Lúc đó mình chỉ ra thế giới di động dán màn hình điện thoại cách chổ mình ở có 300m thôi mà rớt mất tiêu biển số xe. Lúc từ TGDĐ ra mình mới phát hiện là bị mất rồi, trong khi dán cái màn hình cực nhanh luôn, chưa tới 10p, lúc quay lại tìm không thấy đâu cả, trong khi 10h đêm con hẻm vào nhà cũng rất vắng người. Lúc đó ta nói hoang mang cực kỳ luôn, tính mình nhát gan nên xe không có biển số là bố nào dám chạy ngoài đường nên mình mới nghĩ ra cách dỡ người là viết tờ rơi sáng dậy thật sớm đi dán tùm lum ngoài đường nơi mình đi qua. Qua hết một ngày hôm sau mình nghĩ hết hi vọng rồi nhưng không ngờ có người gọi điện cho mình bảo là nhặt được biển số xe của mình. Lúc đó não mình nó quay một vòng rồi lại tưởng tượng ra các phân cảnh kế tiếp có thể xảy ra, mình rủ nguyên một nhóm bạn canh me bên ngoài cho mình khi đi gặp người ta, tại cũng sợ người ta dụ mình gì đó. Lúc nhận lại được biển số thì đúng là nó thật, cảm ơn và đưa tiền hậu tạ người ta uống nước. Thật dã man khi mất mấy thứ liên quan tới giấy tờ, phải nói là bao phiền phức khi phải làm lại nó.
3) Báo cho công an địa phương.
4) Liên hệ với đại sứ quán Vietnam gần nhất.
5) Báo cho bên bảo hiểm du lịch.
6) Làm lại giấy tờ
7) Tìm đường về.

 Xem chia sẽ chi tiết của một bài viết trên facebook của bạn Tuấn Anh Lê rất hữu ích: Tìm lại hoặc làm lại passport khi bị mất. 
----------------------------------
Nói tóm lại, còn tỉ ti thứ phải quan tâm khi đi ra khỏi cái Việt Nam thân yêu này các chế ạ. Có điều mình thì sợ đau và sợ chết lắm, nên mình ưu tiên bảo toàn cái tánh mạng của mình trước. Còn những thứ khác thì cứ để đó. Nhiều chế đi toàn để sống ảo, máy ảnh các thứ, quần áo bla bla ect thì cũng tốt nhưng nhớ bảo vệ tánh mạng trước nhé. Đi để trở về rồi chúng ta lại đi tiếp. Đi một chiều thì có hai trường hợp, đi để chết và đi để trốn thì thôi bó tay aihihi. Chúc mọi người có chuyến đi an toàn và đảm bảo sau đó là vui vẻ nhé.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

SO SÁNH VỀ CÁCH XÉT HỒ SƠ XIN THỊ THỰC DU LỊCH ÚC VÀ NEW ZEALAND


vẻ đẹp của New Zealand

Úc và New Zealand là hai quốc gia thuộc châu Úc và là anh em hàng xóm của nhau. Tuy nhiên, thể thức hồ sơ và cách xét hồ sơ xin thị thực của hai quốc gia này đều khác nhau một trời một vực. Chỉ giống nhau một điểm đều là thị thực điện tử e-visa.

E-visa du lịch New Zealand
                   

E-visa du lịch Úc

                                                                         
Nếu bạn là người đam mê du lịch, theo chủ nghĩa xê dịch thì bạn hẵn sẽ chọn New Zealand chứ không phải Úc. Điều này thì chắc cũng tùy quan điểm mỗi người. Chung quy lại là, nếu muốn đi du lịch New Zealand thì người ta hay xin luôn thị thực Úc, vì vé máy bay bay thẳng từ Việt Nam sang New Zealand rất đắt, do tuyến bay không nhiều nên giá thành cũng đắt hơn, hãng thường xuyên có chuyến bay là Singapore Airline, hãng bay này đi cũng an toàn hơn. Người ta thường chọn bay từ Việt Nam sang Melbourne hoặc Sydney, Úc rồi từ đó bay sang Auckland, New Zealand, ví dụ vậy. Tức là lên hẳn một tour đi luôn hai quốc gia.

Ở Úc mình thực sự không biết chơi gì bên đó luôn, nó chỉ có thể khiến mình nghĩ ngay đến hàng ngàn hecta nông trại bạt ngàn với những dàn nho chạy dài theo lối, cùng với hầm rượu vang được sản xuất với khối lượng lớn.






 Ghé đến Úc bạn đừng quên thưởng thức một ly rượu vang nhé, uống ít thôi để còn tỉnh táo đi chơi tiếp. Còn New Zealand là thiên đường của hoạt động thể thao ngoài trời, với một đứa mê nhảy dù như mình thì New Zealand là lựa chọn hàng đầu. Các trò chơi mạo hiểm khác như nhảy bungee, nhảy dù, Nevis Swing, leo núi ở Queenstown. Một số môn thể thao khác “nhẹ đô” hơn gồm lướt sóng ở Raglan, chèo thuyền ở Queenstown, đạp xe, đi thuyền kayak…


Trò nhảy dù được thả từ trực thăng này chơi rất kích thích. Ban đầu mình mê dữ lắm, nhưng bữa đứng lớp ở trung tâm dạy đúng phần nhảy dù đã làm nhiều người thiệt mạng khi bị sự cố trang thiết bị dù không bung được lúc trên không, nên dẫn đến rơi tự do đập vào vách đá mất mạng nên cũng làm mình bớt bớt lại. 


Còn trò nhảy dù ca nô kéo bay này thì mình từng chơi ở Bãi Xếp Tuy Hòa, Phú Yên rồi, phí chơi một triệu cho một lần. Thấy chơi vui phết, nghe đâu ở Quận 7, TPHCM cũng có nhưng mình thấy biển ở Sài Gòn bẩn lắm lên không dám thử. 

 Các hoạt động thể thao ngoài trời ở đây được đầu tư tổ chức với quy mô lớn cùng trang thiết bị hiện đại thu hút các bạn trẻ khắp thế giới. Ví dụ đối với nhảy dù từ trực thăng, các chuyên cơ máy móc rất hiện đại và được quốc gia này cực kỳ chú trọng. Thực ra nếu không có mấy này thì chắc cũng không ai tới đây làm gì, bạn mình du học bên New Zealand nó bảo "người nghèo có thể chết vì đói, còn tao ở đây cũng sắp chết vì buồn". Hàng năm ở New Zealand có hàng loạt cuộc thi chạy với quy mô lớn rải rác từ tháng hai cho tới tháng 12. Khi bạn đăng ký tham dự các hoạt động đều tốn kha khá tiền, điển hình là phí đăng kí chạy 100 miles giải Ironman Tarawera Uliramarathon là tầm 12,000,000VNĐ. Mình có đính kèm link đăng ký cuộc thi chạy Ironman diễn ra vào đầu tháng 2/2020 cho bạn nào thực sự đam mê chạy nhảy tham khảo 





Từ điểm này, mình nghĩ nguồn thu nhập của quốc gia này là từ các hoạt động này chứ không chạy đường nào. Thử nhẩm tính hàng triệu người đăng ký chơi mấy này thì quốc gia nó giàu lên cỡ nào. Vâng đúng vậy, quả thật mình đoán không hề sai. Nền kinh tế của New Zealand dựa vào hai nguồn chủ yếu là từ du lịch và sản xuất nông nghiệp. Thật sự rất khôn khéo khi biết tận dụng vị trí địa lý ưu ái với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, chính phủ nước này không tiếc tiền bỏ ngân sách ra để đầu tư phát triển du lịch. Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay đang rất hot, thì New Zealand là quốc gia mà chúng ta cần học tập theo. Dù phát triển du lịch cỡ nào quốc gia này vẫn chú trọng cực kỳ đến việc bảo vệ môi trường. Khẩu hiệu chính của ngành du lịch New Zealand là mang đến môi trường du lịch "100% trong lành" cho du khách. Chỉ cần bước đến đây thôi, bạn tự nhiên sẽ cảm thấy "ôi sao tự nhiên thấy mình thân thiện với cỏ cây ghê". Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá New Zealand là một trong những thương hiệu hàng đầu về điểm đến lý tưởng, được vinh danh là điểm đến tuyệt vời nhất cho du lịch vì môi trường. 


Đối với thị thực Úc, do người Việt xét hồ sơ nên họ thấu hiểu được văn hóa của người Việt, công việc cuộc sống và hiện trạng xã hội, họ có thể thông cảm cho một số loại giấy tờ của bạn và chấp nhận nó. Giấy tờ yêu cầu cũng không có gì quá phức tạp miễn đảm bảo tính thật, tính logic là đủ. Còn đối với New Zealand, hồ sơ sẽ không được xét tại Việt Nam nên thời gian chờ kết quả rất lâu, từ 20 ngày làm việc trở lên và không phải lăn tay chụp hình như Úc. Hồ sơ xin thị thực du lịch New Zealand vì là người nước ngoài xét nên phải dịch thuật công chứng hồ sơ. Nộp online nộp cả bản gốc lẫn bản dịch, mỗi cái chuyện phân loại đặt tên hồ sơ sắp xếp rồi ngồi upload từng miếng từng miếng một lên trên tài khoản là đủ mệt rồi, upload chậm quá nó expire là muốn đập laptop lol. Cách làm hồ sơ New Zealand theo mình đánh giá là khó làm hơn cả thị thực UK, xét tỉ mĩ về vòng đời của một con người. Năm 2019 là năm có lẽ tồi tệ đối với người Việt Nam khi có 47 bộ hồ sơ New Zealand bị phát hiện là làm giả giấy tờ. Người ta thông kê ra là khoảng 80% hộ khẩu là ở mấy tỉnh phía bắc như Quảng Ninh, Hải Dương… Các anh em vịnh Bắc Bộ bây giờ là thấy xin New Zealand hơi bị chua đấy. Cho nên sinh sống và làm việc trong nam sẽ lợi thế hơn rất nhiều. Thời điểm 2019 xin thị thực New Zealand từ du học cho tới du lịch đều thấy nhạy cảm và khá cay. Cánh vịnh bắc Bộ càng ngày càng căng. Hải Phòng là cái nôi mà các chị em độc thân có phong trào lấy chồng Tây ở Úc và Canada nên nữ độc thân ở tỉnh này thì tốt nhất nên từ bỏ giấc mơ Úc trừ khi bạn có vị trí cao cấp trong xã hội. Buồn thay cho một quốc gia mà đi đâu cũng bị gắn mác lấy trai Tây vì quốc tịch và đi trốn làm việc bất hợp pháp. Người trước đi trước làm bậy chặt đường người đi sau.

Tính viết một bài chi tiết về cách chuẩn bị hồ sơ xin thị thực New Zealand cũng như mở tài khoản, điền form, nộp hộ chiếu lãnh sự như thế nào nhưng thấy khó quá nên đâm ra lười. Hơn nữa Lãnh sự xét hồ sơ New Zealand rất ba hồi, giam hồ sơ rất lâu và không cho mình thông tin email để mình email lên hỏi, chỉ cho số điện thoại liên hệ tới thẳng New Zealand thôi. Đợt mình bị sự cố phải nhờ bạn mình du học bên đó gọi hỏi giúp. Nếu không quen ai thì bấm bụng gọi điện thoại quốc tế qua đó mà trình bày với Lãnh sự lol. Bởi phiền thế này nên chỉ có ai ham mê du lịch thực thụ mới mò sang, hoặc có công việc phải sang chứ trốn cũng không muốn trốn qua xứ cây cỏ này rồi, nói vậy thôi chứ đầy người trốn qua đó, thề là không biết người ta trốn qua đó làm gì lol.


Này là giao diện Account nộp hồ sơ xin thị thực du lịch New Zealand online




Còn đây là giao diện Immiaccount nộp hồ sơ xin thị thực Australia online


Chúc mọi người ai mê New Zealand sớm cầm trên tay thị thực của nó nhé <3